Mục lục
Tụ bù là phụ kiện phổ biến trong việc lắp đặt các hệ thống đèn chiếu sáng nói riêng và các sản phẩm điện tử nói chung. Tuy nhiên, không phải ai cũng có những kiến thức về tụ bù điện. Vậy tụ bù điện là gì? Cấu tạo và phân loại tụ bù điện ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu điều này trong bài viết dưới đây.
Tụ bù là gì?
Tụ bù là một hệ hai vật dẫn đặt gần nhau và ngăn cách nhau bằng một lớp cách điện (điện môi), tụ có tác dụng tích và phóng điện trong mạch điện. Đại lượng đặc trưng cho khả năng tích điện của tụ bù ở một hiệu điện thế nhất định gọi là điện dung của tụ bù. Nó được xác định bằng thương số giữa điện tích của tụ bù và hiệu điện thế giữa hai bản của nó (C=Q/U).
Tụ bù thường được lắp đặt trong các hệ thống với mục đích bù công suất phản kháng để đảm bảo hiệu quả sản phẩm điện tử hoạt động ổn định hơn. Do đó, khi lắp đặt tụ bù bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền điện đáng kể.
Trong thực tế bạn thường bắt gặp một số tên gọi tụ bù như sau: tụ bù điện, tụ bù công suất, tụ bù công suất phản kháng, tụ bù cos phi…
Cấu tạo của tụ bù
Tụ bù điện có cấu tạo khá đơn giản thường là loại tụ giấy ngâm dầu đặc biệt, gồm hai bản cực là các lá nhôm dài được cách điện bằng các lớp giấy. Toàn bộ được cố định trong một bình hàn kín, hai đầu bản cực được đưa ra ngoài.
Phân loại tụ bù hiện nay
Có hai cách để phân loại tụ bù phổ biến hiện nay, đó là:
Theo cấu tạo của tụ bù được phân làm hai loại chính là tụ bù khô và tụ bù dầu.
- Tụ bù khô là loại bình tròn dài. Ưu điểm là nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ dễ lắp đặt, thay thế, chiếm ít diện tích trong tủ điện. Giá thành thường thấp hơn tụ dầu. Tụ bù khô thường được sử dụng cho các hệ thống bù công suất nhỏ, chất lượng điện tương đối tốt. Tụ khô phổ biến trên thị trường Việt Nam có các giải công suất bù 10, 15, 20, 25, 30kVAr. Một số hãng có loại nhỏ 2.5, 5kVAr và loại lớn 40, 50kVAr.
- Tụ bù dầu là loại bình chữ nhật (cạnh sườn vuông hoặc tròn). Ưu điểm là độ bền cao hơn. Tụ dầu thường được sử dụng cho tất cả các hệ thống bù. Đặc biệt là các hệ thống bù công suất lớn, chất lượng điện xấu, có sóng hài (dùng kết hợp với cuộn kháng lọc sóng hài). Tụ bù dầu phổ biến trên thị trường Việt Nam có các giải công suất bù 10, 15, 20, 25, 30, 40, 50kVAr.
Theo điện áp của tụ bù thì gồm các loại: Tụ bù hạ thế 1 pha và tụ bù hạ thế 3 pha
- Tụ bù hạ thế 1 pha: Có các loại điện áp 230V, 250V.
- Tụ bù hạ thế 3 pha: Có các loại điện áp 230, 380, 400, 415, 440, 525, 660, 690, 720, 1100V. Phổ biến nhất là 2 loại điện áp 415V và 440V.
Trên đây là một số kiến thức về cấu tạo và phân loại tụ bù cơ bản. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi vừa gửi tới trong bài viết sẽ phần nào giúp ích cho bạn trong việc lựa chọn tụ bù khi cần sử dụng. Nếu bạn không biết cách lựa chọn phân loại tụ bù thì có thể đến với chúng tôi – Thế giới đèn Khánh Nam – để nhận được những tư vấn về sản phẩm và lựa chọn sản phẩm phù hợp cho nhu cầu sử dụng của mình.